Thông điệp từ cá heo

09/07/2025
|
0 lượt xem
Góc Nhìn Môi Trường
Thông điệp từ cá heo

Bất ngờ, một con cá heo đực tiến lại gần. Nhưng không giống những lần đùa nghịch hiếm hoi trước, ánh mắt nó khẩn thiết như đang cầu cứu. Nó bơi một đoạn rồi quay đầu lại như ra hiệu mời gọi. Với trực giác của người đã dành cả đời gắn bó với biển cả, Enzo hiểu có điều gì đó bất thường. Ông và hai con gái lập tức bơi theo.

Ở độ sâu khoảng 15 mét, họ phát hiện một con cá heo cái mắc kẹt trong chiếc lưới đánh cá bị bỏ lại. Con vật đang vật lộn, dường như đã kiệt sức vì không thể trồi lên mặt nước để thở. Enzo và các con cẩn thận cắt lớp lưới cuối cùng. Khi được giải thoát, con cá heo bơi thẳng lên mặt nước - và ngay tại đó, nó sinh con.

Người cha kể lại khoảnh khắc kỳ diệu ấy: con cá heo đực - bạn đời của cá thể mẹ - nhẹ nhàng bơi lại gần ông, chạm vào ông như một cử chỉ biết ơn.

Enzo sau này nói thêm với Hiệp hội bảo tồn biển (Sea Shepherd): "Chừng nào con người chưa học được cách tôn trọng và lắng nghe thiên nhiên, họ sẽ không bao giờ hiểu được vị trí thật sự của mình trên Trái đất này".

Đó không chỉ là một phép màu giữa người và cá heo. Đó là một lời nhắc nhẹ nhàng nhưng sâu sắc: mọi sự sống đều biết cảm nhận, biết đau đớn, và biết biết ơn - nếu con người chịu dừng lại và lắng nghe.

Loài người đang sống trong thời đại mà thiên nhiên không còn thì thầm nữa, mà đang gào lên. Nhưng dường như con người đã quen quay lưng với tiếng nói ấy.

Từng rạn san hô bị tẩy trắng. Từng khu rừng nguyên sinh bị chặt trụi nhường chỗ cho đô thị, khu công nghiệp, hay resort ven biển. Nhiều dự án không chỉ lấn sông, lấp biển, mà còn đào kênh đổi dòng chảy, thay đổi cả nhịp sinh học của vùng đất vốn yên ổn suốt hàng trăm năm.

Khi một con sông bị lấp đi, người ta thường chỉ nói đến "phát triển". Khi một dãy núi bị san phẳng, người ta gọi đó là "mở đường tương lai". Nhưng thiên nhiên thì không nói gì - cho đến khi những trận lũ tràn về, đất nứt nẻ, nước mặn xâm lấn, hay mùa màng thất bát.

Những dòng sông chảy chậm lại. Những dòng chảy ngầm đổi hướng. Hệ sinh thái bị bóp méo. Những gì từng sống hài hòa với nhau - cá, tôm, chim, cò, người dân vùng ven - nay hoặc biến mất, hoặc di dời, hoặc gồng mình thích nghi trong bất lực.

Chúng ta không thiếu cảnh báo. Biến đổi khí hậu không còn là chuyện của tương lai, mà là thực tại. Nhưng nghịch lý là: càng đối diện với thảm họa, con người lại càng lấn sâu hơn vào thiên nhiên. Lũ đến thì làm đê. Hạn hán thì khoan giếng. Ô nhiễm thì xây nhà máy lọc. Nhưng hiếm khi nào con người tự hỏi: liệu mình có đang sống quá sai với tự nhiên?

Nhiều người từng tin rằng con người là trung tâm của vũ trụ, có thể dựng lên những thành phố cao tầng, tạo ra công nghệ siêu việt, đưa tàu vũ trụ thăm dò ra ngoài không gian. Nhưng chính niềm tin vào vị trí "tối thượng" đó khiến loài người ngày càng xa rời hệ sinh thái mà mình vốn là một phần không thể tách rời.

Con người chỉ mới xuất hiện trong chuỗi tiến hóa vài trăm nghìn năm - trong khi Trái Đất đã tồn tại hàng tỷ năm. Những con cá heo, rùa biển, cây cổ thụ đã chứng kiến nhiều chu kỳ thay đổi của hành tinh này - và vẫn sống sót - vì chúng biết cách sống hài hòa. Con người thì không.

Không phải ngẫu nhiên mà báo động về sự sụp đổ sinh thái ngày càng được nhắc đến trên các diễn đàn chính trị, kinh tế toàn cầu. Biến đổi khí hậu không còn là vấn đề của riêng các nhà khoa học, mà là bài toán sống còn của mọi quốc gia, doanh nghiệp và từng cá nhân.

Đó là lý do vì sao ESG (môi trường, xã hội và quản trị) không nên chỉ là bộ tiêu chí cho các báo cáo. Nó cần trở thành một cách sống, một cách làm kinh tế có đạo đức, có trách nhiệm. Không ai có thể làm điều đó một mình, nhưng mọi tổ chức, từ chính quyền đến doanh nghiệp, đều có thể bắt đầu từ việc lắng nghe lại tiếng nói của thiên nhiên.

Một con sông không tự chọn bị chặn dòng. Một rừng cây không xin được biến thành dự án. Những quyết định phát triển, nếu không đặt trong sự tham vấn với thiên nhiên, sớm muộn gì cũng trở thành quyết định chống lại chính tương lai của con người.

Câu chuyện của Enzo Maiorca và gia đình cá heo có thể chỉ là một lát cắt nhỏ giữa muôn trùng dữ liệu khoa học. Nhưng nó chạm vào điều mà số liệu không đo được: tình cảm, sự kết nối, và lòng biết ơn giữa các loài sống cùng nhau trên hành tinh này.

Chúng ta có thể không lặn giỏi như Enzo, không hiểu ngôn ngữ của cá heo, không nghe được tiếng thở của rừng, hay tiếng nghẹn của đất. Nhưng chúng ta có thể bắt đầu bằng sự im lặng cần thiết - để lắng nghe thiên nhiên không bằng tai, mà bằng trái tim.

Và chỉ khi đó, con người mới thực sự hiểu mình đang đứng ở đâu trong tổng thể sống bao la này.

Đinh Hồng Kỳ

Tin liên quan
Tin Nổi bật